Do là thị trường nhỏ nên thời gian qua, các doanh nghiệp thủy sản Việt chưa thực sự chú trọng đến thị trường Đài Loan. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Đài Loan là thị trường tiềm năng và doanh nghiệp nên có kế hoạch cụ thể để từng bước chiếm lĩnh.
Theo VASEP, hiện Đài Loan không nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Dù vậy thị trường này lại có kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tương đối ổn định với trên 100 triệu USD/năm, chiếm từ 1,3 - 1,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Ước tính trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Đài Loan đạt 50,5 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 27 triệu USD; cá tra đạt gần 10 triệu USD, các mặt hàng hải sản đạt 22 triệu USD…
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết: Thị trường Đài Loan hiện chuộng các sản phẩm tôm sú đông lạnh, tôm tươi, cá tra phi lê đông lạnh, tôm chân trắng tươi/đông lạnh, tôm chế biến, mực… của Việt Nam. Nhìn chung lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam qua thị trường này khá ổn định bởi chưa thực sự được doanh nghiệp chú trọng dẫn tới giá trị kim ngạch chưa cao.
Đơn cử như Công ty CP Nam Việt xuất khẩu 250 tấn sản phẩm cá tra phi lê sang thị trường Đài Loan, trị giá khoảng 500 triệu USD. Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Nam Việt, bình quân mỗi năm công ty xuất khẩu từ 5 - 6 triệu USD cho riêng thị trường này. Tuy nhiên, kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, sản lượng cá tra và giá trị xuất sang Đài Loan giảm một nửa nên Nam Việt quyết định chuyển hướng sang khai thác các thị trường tiềm năng hơn như EU, Mỹ, Malaysia…
Cùng như Nam Việt, Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước cho rằng, thị trường này khó khai thác trong thời điểm hiện tại nên không chú trọng.
Tuy nhiên, theo VASEP, việc chú trọng vào những thị trường lớn mà ngó lơ những thị trường giá trị thấp hơn như Đài Loan không phải là lựa chọn tối ưu về lâu dài. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Đài Loan đang có xu hướng tăng lên, nhất là với sản phẩm tôm. Chưa kể là mới đây, Tổng cục Quản lý Dược và thực phẩm Đài Loan (TFDA) đã có văn bản gửi Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc công bố danh sách 674 doanh nghiệp của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường này. So với lần trước, số lượng doanh nghiệp thủy sản được cấp phép tăng thêm 36 doanh nghiệp. Thông tin này giúp việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này thuận lợi hơn nếu có hướng tiếp cận phù hợp.
Từ những tín hiệu tích cực trên, VASEP khuyến khích doanh nghiệp có hướng khai thác thị trường phù hợp. Bởi lẽ dù là thị trường nhỏ nhưng tiêu chuẩn sẽ không khắt khe, chưa kể việc đa dạng hóa thị trường sẽ giúp ích rất lớn cho mục tiêu dài hơi là phát triển bền vững ngành thủy sản mà ngành đang hướng tới.
Thị trường Đài Loan có tập quán tiêu dùng thủy sản vừa theo kiểu Trung Quốc vừa theo kiểu Nhật Bản. Để xuất khẩu được qua Đài Loan, doanh nghiệp cần đóng gói hàng hóa nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt, kèm đầy đủ hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, khi đưa hàng hóa vào Đài Loan cần chú trọng khâu quảng cáo, cung cấp thông tin để người tiêu dùng tại đây biết, tìm mua.