Quyết tâm theo đuổi chiến lược “zero Covid” (triệt tiêu Covid) của Trung Quốc đang đặt ra trở ngại cho sự phục hồi của ngành vận tải biển. Trong nỗ lực dập ca nhiễm, Trung Quốc duy trì lệnh cấm việc thay thuỷ thủ đoàn đối với thuỷ thủ đoàn nước ngoài khi tàu cập cảng nước này. Gần đây, Trung Quốc còn đưa ra quy định cách ly bắt buộc 7 tuần đối với thuỷ thủ Trung Quốc về nước. Ngay cả những thuỷ thủ đoàn là người Trung Quốc đã được thay ở nơi khác cũng phải đợi 2 tuần trước khi được lên bờ.
Để tuân thủ các quy định này, các công ty chủ tàu và quản lý tàu đành phải chuyển hướng tàu, trì hoãn việc giao hàng và thay đổi thuỷ thủ đoàn, khiến khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm căng thẳng. “Các hạn chế của Trung Quốc đang gây ra ảnh hưởng lan rộng”, ông Guy Platten, Tổng thư ký Hội đồng Vận tải biển Quốc tế (ICS), tổ chức đại diện các chủ tàu và đơn vị vận hành tàu biển trên toàn cầu, phát biểu trong cuộc trao đổi với Bloomberg. “Bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động của tàu cũng gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và dẫn tới gián đoạn thực sự”.
Đến nay, ngành vận tải biển nhìn chung hấp thụ được phần chi phí gia tăng, nhờ giá cước vận tải container đang thuộc hàng cao nhất trong lịch sử do nhu cầu tăng mạnh, công suất hạn chế, và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng. Vào cuối tuần kết thúc vào ngày 18/11, giá cước vận tải container 40 foot là 9.146 USD, tăng gấp 6 lần so với mức trung bình 5 năm tính đến năm 2019. Cước vận tải của tàu chở dầu và tàu chở hàng khô rời cũng tăng tương tự.
Các hãng tàu cũng thừa nhận rằng họ ứng phó với các hạn chế của Trung Quốc bằng cách đẩy gánh nặng về phía các thuỷ thủ làm việc trên tàu. Nhà chức trách Trung Quốc không cho phép có nhiều hơn 3 thuỷ thủ Trung Quốc được lên cùng một chuyến bay tới đại lục, nên hành trình về nhà của các thuỷ thủ nước này có thể kéo dài nhiều tháng trời sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ và rời khỏi tàu – ông Hojgaard cho biết.
Giới chức Trung Quốc gần đây tiếp tục bảo vệ chiến lược chống Covid của nước này và phát tín hiệu sẽ không sớm nới lỏng các quy định. Trong khi đó, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngành vận tải biển chưa có dấu hiệu lắng dịu. Theo một cuộc khảo sát do Oxford Economics thực hiện với sự tham gia của 148 doanh nghiệp trong thời gian từ 18-29/10, gần 80% cho biết họ kỳ vọng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể trở nên tồi tệ hơn.
“Trung Quốc quyết tâm triệt tiêu Covid và sẽ không sớm nới lỏng các hạn chế”, ông Zhang của Singhai Marine nhận định
“Thậm chí, Trung Quốc có thể siết chặt các quy định trước khi đăng cai Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 năm tới”.