XUẤT KHẨU SANG EU CÒN KHIÊM TỐN DO TÂM LÝ E NGẠI CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao như vậy, nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng…

Số liệu đưa ra tại toạ đàm “Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU” ngày 18/11 cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2022 (2 năm thực thi hiệp định EVFTA) đạt 83,4 tỷ USD (trung bình 41,7 tỷ USD/năm), cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.

HÀNG HÓA VIỆT CHỈ CHIẾM 2% NHU CẦU NHẬP KHẨU CỦA EU

Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu mở rộng thị trường sang EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương. EVFTA cũng là  ưu thế lớn của Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU. 

Tuy nhiên, hiện nay số lượng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU gia tăng chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Dư địa gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU còn rất lớn, khi hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên.

Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại về những tiêu chuẩn kỹ thuật cao từ thị trường các nước EU. Do vậy, họ thường lựa chọn giải pháp an toàn, tập trung nhiều vào các thị trường truyền thống. Đây cũng là điểm hạn chế, làm giảm đi lợi thế “người đi đầu” của doanh nghiệp Việt Nam trong EVFTA.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thẳng thắn nhìn nhận rằng dư địa còn rất lớn. Thị phần nhiều mặt hàng chiến lược của chúng ta như thủy sản, rau quả… thị phần vẫn còn rất thấp. Rau quả chỉ chiếm thị phần khoảng hơn 2-3%, thủy sản khoảng hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%, tức là những mặt hàng thế mạnh chiến lược của chúng ta dư địa thị phần rất ít và dư địa còn lớn.

Ngoài ra, doanh nghiệp của chúng ta hiện nay vẫn còn gia công khá nhiều. Số lượng thương hiệu còn khá khiêm tốn.

Nói về nguyên nhân việc tiếp cận thị trường EU còn hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng lý do lớn nhất là rất nhiều doanh nghiệp chưa từng có giao dịch nào với thị trường EU, cho nên không hưởng lợi từ hiệp định này.

Điều này cho thấy có vấn đề về việc kết nối hạn chế, câu chuyện của xúc tiến thương mại cho hàng hóa Việt Nam chúng ta ở thị trường EU chưa mạnh, nên số lượng đối tác EU hoặc số khách hàng của EU biết đến Việt Nam còn rất ít.

Hơn nữa, theo đại diện VCCI, trong bối cảnh hiện nay EU đang đặc biệt nhấn mạnh tới những tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn nhân văn, vấn đề lao động, thuế carbon… để đáp ứng các tiêu chuẩn này không chỉ là thách thức với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà còn là thách thức với cả doanh nghiệp đã từng quen thuộc có kinh nghiệm ở EU.

Đáng e ngại, bà Trang nhấn mạnh, yếu tố lớn nhất, cản trở lớn nhất tiếp cận EU lại chính là năng lực cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp.

TĂNG KẾT NỐI, KHÔNG ĐỂ DOANH NGHIỆP NHỎ MÃI TRONG MẮT KHÁCH HÀNG

Để gia tăng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường EU, bà Trang khẳng khái, rất cần vai trò của Nhà nước. Mọi hỗ trợ phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp vướng ở chỗ nào thì hỗ trợ của Nhà nước sẽ hướng vào, tập trung vào những điểm đó.

Cụ thể, phải thúc đẩy các hoạt động về xúc tiến thương mại và kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với lại các doanh nghiệp đối tác ở các thị trường, đặc biệt phải xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng để khi khách hàng nghĩ đến sản phẩm của Việt Nam, họ nhớ đến thương hiệu sản phẩm.

Mặt khác, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm… như hỗ trợ kiểm tra miễn phí để đảm bảo hàng hóa an toàn cho xuất khẩu, không bị trả lại.

Thậm chí đào tạo cho doanh nghiệp biết rõ quy trình EU đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng, trên cơ sở đó họ sẽ tuân thủ để có thể tiếp cận được thị trường.

Đồng thời, có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh ở từng khía cạnh một về chất lượng sản phẩm, về mẫu mã, bao bì sản phẩm...

“Chúng ta tìm được những giải pháp hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ gia tăng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường EU”, bà Trang tự tin nói.

Một cách khác, theo bà Trang, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có thể hiện diện, được hưởng gián tiếp từ việc tham gia vào các chuỗi cung toàn cầu, xuất khẩu qua thương mại điện tử. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể tham gia xuất khẩu sang thị trường EU.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), nhấn mạnh tới vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trong hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại. Đặc biệt với Bộ Công Thương, cần tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm một cách bài bản hơn, từ cách trang trí đến thiết kế gian hàng…

“Nếu không có sự đồng hành của các Bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam cứ nhỏ mãi trong mắt khách hàng. Một công ty chỉ được 4-6 mét vuông trong hội chợ, không đủ chỗ trang trí, không đủ chỗ tư vấn khách hàng… thì khách hàng vẫn nhìn nhận doanh nghiệp ở mức dưới, chưa cần quan tâm”, ông Khuê lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, để tăng sự kết nối với khách hàng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu đặt ra của thị trường nhập khẩu…

TIN TỨC LIÊN QUAN

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CỦA TP HỒ CHÍ MINH TĂNG TRƯỞNG 10,2% SO CÙNG KỲ

Chiều 1/10, tại phiên họp về tình hình Kinh Tế - Xã Hội 9 tháng năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng ổn định. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đang trong xu hướng hồi phục và có sự tăng trưởng.

Trong 8 tháng, Việt Nam thu về gần 4.000 tỷ đồng từ hoạt động xuất khẩu chè

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu về gần 4.000 tỷ đồng từ xuất khẩu chè, vượt xa thành tích của cả năm trước đó.

Cơ hội xuất khẩu chanh leo Việt Nam sang thị trường Úc

Australia đã đạt được bước tiến nữa cho ngành trồng trọt của nước này khi thông báo đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu quả mận sang Việt Nam trong thời gian tới, ngoài các hoạt động xuất khẩu quả đào và xuân đào hiện nay. Dự án này là một phần của thỏa thuận tiếp cận thị trường nông sản hai chiều nhằm cung cấp mận của Australia cho Việt Nam và chanh leo của Việt Nam cho Australia.

TIN TỨC LIÊN QUAN

GLOTRANS ĐÀ NẴNG VINH DỰ THAM GIA DIỄN ĐÀN KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO ĐÀ NẴNG 2024

Ngày 14/11/2024, diễn đàn “Khu Thương Mại Tự Do Đà Nẵng – Động Lực Mới Phát Triển Ngành Logistics Thành Phố” đã diễn ra thành công, thu hút hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước về tham dự. Nằm trong hoạt động triển khai thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Diễn đàn là cơ hội để thành phố trao đổi, thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể thúc đẩy phát triển ngành logistics; định hướng xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

GLOTRANS HCM THAM DỰ NGÀY HỘI VIỆC LÀM & KẾT NỐI DOANH NGHIỆP 2024 CỦA TRƯỜNG ĐH FPT CẦN THƠ

Sáng ngày 02/11/2024, nhận lời mời từ Ban Giám Hiệu Trường Đại học FPT Cần Thơ, Glotrans HCM đã đến giao lưu, kết nối với Ban Giám Hiệu nhà trường, cùng toàn thể các bạn sinh viên có mặt trong Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiêp 2024.

Xuất nhập khẩu Việt Nam - Philippines lần đầu tiên kỳ vọng vượt mốc 8 tỉ USD

Ngày 29-10, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines trong chín tháng đầu năm 2024 đã đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.